Hội Nông dân Hà Giang phát huy tinh thần
Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Hoạt động nổi bật của Hội

Gửi Email In trang Lưu
Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh

22/05/2020 09:56

Tỉnh ta có lợi thế phát triển chuỗi lúa chất lượng cao, nhiều tiểu vùng khí hậu, môi trường đất, nước chưa bị ô nhiễm… phù hợp gieo cấy những giống lúa đặc sản, hữu cơ theo hướng chất lượng cao.

Cán bộ Trung tâm Khoa học - Kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức kiểm tra quá trình sinh trưởng giống lúa ĐS3 cấp nguyên chủng.

 Là tỉnh miền núi, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng sản xuất lúa của Hà Giang đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Người nông dân chưa có thu nhập khá từ cây lúa. Thực tế trên đặt ra yêu cầu tỉnh phải tổ chức lại sản xuất cho cây lúa và chế biến gạo, hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị, bảo vệ và phát huy lợi thế, điều kiện riêng có trong sản xuất lúa, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững nơi cực Bắc Tổ quốc.

Theo phân tích chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015  - 2018 của ngành Nông nghiệp, tỉnh ta có nhiều lợi thế phát triển chuỗi lúa chất lượng cao so với các tỉnh khác, như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau với nền nhiệt độ trung bình năm thấp, thuận lợi cho phát triển những giống lúa đặc sản. Nhiều giống lúa nổi tiếng, đặc hữu của địa phương đã tồn tại và thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu bản địa mà các tỉnh khác không có. Môi trường đất, nước chưa bị ô nhiễm,… là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển lúa gạo hữu cơ theo hướng chất lượng cao. Tuy nhiên, sản xuất lúa vẫn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là nước tưới; chưa áp dụng được nhiều khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là ở các huyện vùng cao; diện tích sản xuất lúa vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu theo hướng “tự cung, tự cấp” với 63% số hộ sản xuất lúa phục vụ chính cho gia đình, 37% số hộ còn lại nếu không sử dụng hết mới bán ra thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương chưa chưa quy hoạch tốt vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ; thiếu liên kết trong chuỗi sản xuất; khâu bảo quản sau thu hoạch kém, chưa có nhiều nhà máy chế biến và xây dựng được nhãn hiệu, phát triển thương hiệu lúa, gạo chất lượng cao Hà Giang…

Đồng chí Vũ Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, cho biết: Tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng trên 37.500 ha, tổng sản lượng đạt trên 210.000 tấn, vượt diện tích quy hoạch tổng thể phát triển cây lúa thời điểm này. Vì thế, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 166, phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao của tỉnh, giai đoạn 2019 – 2025.

Theo phê duyệt, tỉnh ta sẽ tập trung vào các hoạt động trọng yếu nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao trong toàn tỉnh như: Hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao của tỉnh với 3 vùng trọng điểm gồm các huyện động lực và vùng thấp, các huyện phía Tây và 4 huyện Cao nguyên đá với những giống lúa chất lượng, bản địa để phát huy lợi thế từng vùng và phát triển du lịch; xây dựng vùng sản xuất tại chỗ giống lúa chất lượng cao của tỉnh quy mô 445 ha. Cùng với đó, hoàn chỉnh bộ cơ cấu giống lúa và chủ động nguồn giống chất lượng cao tại chỗ; tập trung phục tráng và sản xuất giống lúa địa phương chất lượng cao như Khẩu mang, Già Dui, Nếp Yên Minh; liên kết khai thác thương mại các giống lúa chất lượng cao trong cơ cấu giống của tỉnh. Xây dựng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao… Tổng kinh phí triển khai dự kiến trên 97 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ sơ chế, chế biến lúa gạo; ký hợp đồng nguyên tắc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao giữa Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức và các HTX; triển khai tập huấn sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ cho các xã viên HTX tham gia sản xuất; hoàn thành việc nhượng quyền thương mại sản xuất giống lúa Japonica, qua đó đã tiến hành sản xuất 5 ha giống lúa ĐS 1 và ĐS3 (Vaas 16) cấp nguyên chủng và 13 ha cấp xác nhận trong vụ Xuân năm nay; đồng thời xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao trong vụ Xuân và vụ Mùa năm 2020 tại các huyện Vị Xuyên, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, với tổng diện tích gần 700 ha. Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức đã ký kết bao tiêu tối thiểu 30% sản lượng lúa cho người sản xuất trong năm nay để chế biến và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Hà Giang quy mô trên 1.000 tấn/năm.

BÁO HÀ ĐIỆN TỬ GIANG

Tin khác

Nông nghiệp một lần nữa là bệ đỡ cho ổn định xã hội trong khó khăn (22/05/2020 09:52)

Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hà Giang kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020 (21/05/2020 08:26)

Dấu ấn xã nông thôn mới do Bộ NN&PTNT “đỡ đầu” (20/05/2020 08:31)

Thủ tướng Có kịch bản tái đàn lợn, xử lý nghiêm thao túng giá lợn hơi (18/05/2020 07:43)

Khó khăn trong việc tái đàn lợn (15/05/2020 08:36)